Tại sao tôi tích cực tập thể dục nhưng lượng mỡ và cân nặng không được cải thiện?
Nhiều người chăm chỉ tập thể dục nhưng có thể mắc một số lỗi sau:
Tản bộ chứ không phải đi bộ: Rất nhiều phụ nữ chiều nào cũng đi bộ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, nhưng lại đi một cách thong dong. Hãy thay đổi tùy theo trọng lượng cơ thể, hãy tăng tốc. Cụ thể, một phụ nữ nặng 65kg khi đi bộ tốc độ 6km/h có thể tiêu hao nhiều hơn 150 calo so với tốc độ 3-4km/h.
Tư thế đạp xe không đúng: Ngồi quá cao hoặc quá thấp trên máy đạp xe đều có tác dụng ngược. Cụ thể, nếu ngồi quá thấp sẽ hạn chế hoạt động của cơ đùi, ngồi quá cao lại khiến lưng dưới bị dãn cơ. Vì vậy không phải chỉ quan tâm đến việc đạp bao nhiêu vòng trong một phút, mà điều đầu tiên là phải điều chỉnh độ cao yên xe cho phù hợp, khi ở chiều xuống chân, phải duỗi thẳng sao cho bàn chân song song với mặt sàn.
Dùng tạ quá nhẹ: thường không mang lại kết quả mong muốn. Việc sử dụng tạ quá nhẹ sẽ không giúp tăng được mật độ xương, đồng thời còn tăng nguy cơ đau cột sống khi có tuổi. Hãy tập theo quy trình: 4 – 6 tuần đầu tập tạ trọng lượng nhẹ, tập lặp lại 30 lần. Sau thời gian này, tăng dần trọng lượng tạ, đồng thời giảm số lượng tập xuống còn 15 – 20 lần. Tuy nhiên, nếu tập tạ trên 5kg, cần phải có sự hướng dẫn của huấn luyện viên.
Chọn máy tập không phù hợp: không những không đem lại hiệu quả mà còn có thể gây ra những chấn thương không mong muốn. Nên chọn máy tập phù hợp với thể trạng, tốt nhất, sau khi tập một thời gian, tham khảo với chuyên gia để tăng hoặc giảm bài tập theo trọng lượng cơ thể.
Tập ban đêm: Do thói quen hoặc do công việc, bạn chọn thời gian tập luyện vào ban đêm với những bài tập cường độ cao. Thực tế, từ 20h trở đi cơ thể cần được nghỉ ngơi, vì thế không nên ép cơ thể quá mức gây sự xáo trộn về mặt sinh học. Nếu luyện tập vào ban đêm thì khoảng 18h là tốt nhất, vì thời gian này cơ thể có thể đốt cháy calo cao, hệ tim mạch vẫn còn hoạt động thích ứng với bài tập.